Nhiều người vì trót nghe theo những lời đường mật mà giờ phải lâm vào cảnh mua nhà “tiền đã trao mà cháo không múc”, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều tới công việc, cuộc sống…
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, thậm chí người đi mua nhà dù tận mắt nhìn thấy sổ hồng rồi nhưng vẫn bị lừa mất trắng hay trường hợp mua nhà ở xã hội được Nhà nước cấp phép xây dựng nhưng cũng rơi vào cảnh có nhà mà không được ở. Dưới đây là 10 hình thức lừa đảo mua nhà phổ biến trong thời gian qua.
Lừa đảo mua bán nhà đất bằng sổ giả, giấy tờ giả
Với tình huống này, trước tiên kẻ lừa đảo sẽ giả dạng làm người mua nhà và yêu cầu chủ nhà cho xem giấy tờ nhà đất. Khi có đầy đủ thông tin căn nhà, kẻ này sẽ dùng thủ thuật tinh vi để làm giấy tờ nhà đất giống y chang bản thật. Sau đó, kẻ này quay lại xem nhà và yêu cầu chủ nhà cho xem giấy tờ nhà lần nữa rồi nhanh tay đánh tráo giấy tờ giả đã làm sẵn với giấy tờ thật của chủ nhà.
Lừa đảo bán một ngôi nhà cho nhiều người
Kẻ lừa đảo trong trường hợp không cần có sổ đỏ, sổ hồng hay giấy tờ nhà đất giả nhưng sẽ đăng bán căn nhà với giá cực thấp để dụ dỗ người mua sập bẫy. Đến bước làm giấy tờ chuyển nhượng, kẻ lừa đảo sẽ nhận tiền đặt cọc hay một phần tiền từ người rồi làm cam kết bằng giấy tay với nhiều hứa hẹn. Sau đó sẽ cùng số tiền cọc cao chạy xa bay.
Lừa đảo chiếm dụng tiền đặt cọc qua việc vẽ dự án ma
Gần đây thị trường xuất hiện không ít các dự án được chủ đầu tư vẽ ra nhằm lôi kéo khách hàng để chiếm đoạt tiền đặt cọc. Họ thường cho môi giới gọi điện mời khách đến xem nền đất nhưng thực tế là đất quy hoạch dành cho công trình công cộng, chưa được phê duyệt cho dự án nào.
Các dự án được vẽ trên giấy rất bắt mắt từ phân lô cho đến cảnh quan, lại nằm tại vị trí đắc địa với một mức giá thấp hơn giá thị trường. Sau đó, các đơn vị này tổ chức các sự kiện mở bán, xem đất tại thực địa rồi dàn cảnh người chen nhau mua đất, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo độ hot và khan hiếm cho dự án nhằm đưa người mua vào bẫy lừa. Trong những năm gần đây một số dự án ma đã bị phanh phui & nhiều người đã vướng vào vòng lao lý vì hành vi lừa đảo trên.
Lừa đảo mua đất trồng cây, đất lúa sẽ lên được thổ cư
Nhiều trường hợp người dân tìm đất để xây nhà an cư nhưng bị người bán hướng dẫn mua phải đất trồng cây, đất lúa giá cao, với cam kết rằng sẽ công chứng sang tên, chuyển đổi lên thổ cư trong vòng 3 tháng kể từ khi ký hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên sau hơn nửa năm thanh toán 98% giá trị lô đất mà vẫn chưa thấy bóng dáng sổ thổ cư đâu, còn đất thì không được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư thì trốn mất khiến người mua ôm mãi miếng đất đó trong khi phải thuê trọ hàng tháng.
Lừa đảo mua bán nhà đất bằng các thông tin mập mờ
Hình thức lừa đảo mua bán nhà đất này là các đối tượng cố tình làm mờ, thậm chí thay đổi thông tin bất lợi trên sổ, giấy tờ khi cho người mua xem. Các thông tin bất lợi này có thể là về đất nằm trong diện quy hoạch hoặc sửa từ sở hữu có thời hạn sang lâu dài…
Lừa đảo đóng vai người mua để đẩy giá lên cao
Chiêu này được chủ nhà hoặc cò đất sử dụng khi thấy bạn có vẻ đã ưng ý căn nhà. Sau đó sẽ thuê vài người giả làm người đi xem nhà và sẵn sàng trả mức giá cao hơn bạn.
Trước cảnh chứng kiến nhiều người tranh mua căn nhà sẽ khiến bạn cảm thấy căn nhà có vị trí đẹp hoặc có tiềm năng tăng giá trong tương lai…và khiến bạn sập bẫy khi mua căn nhà với mức giá cao hơn giá thị trường và cao hơn chất lượng thực tế mang lại.
Lừa đảo mua bán nhà đất bằng cách lợi dụng sự tín nhiệm
Đây là hình thức lừa đảo khi chủ nhà đất có nhu cầu vay tiền nhưng do có tín dụng xấu nên bắt buộc phải nhờ người khác đứng ra vay giúp.
Lợi dụng lòng tin của chủ nhà, người đứng ra vay giúp buộc chủ nhà phải làm hợp đồng mua bán nhà đất để làm cam kết tạm thời hoặc dùng tài sản đó thay chủ nhà vay ngân hàng.
Sau đó, người đứng ra vay giúp dùng tài sản vừa được chủ nhà ủy quyền tiến hành mua bán rồi chiếm đoạt số tiền đó hoặc vay ngân hàng nhiều hơn số tiền bạn cần để rồi vượt quá khả năng chi trả và ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp của chủ nhà.
Lừa đảo bán đất đang bị kê khai tài sản
Theo Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi hành án dân sự quy định: “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.”
Do đó, trong thời gian tòa tuyên án đến lúc thi hành, những người này sẽ tìm mọi cách để nhanh chóng bán nhà, sang tên cho bạn để lấy tiền mặt. Sau đó, họ sẽ tẩu tán số tiền này chứ không dùng để thi hành án theo yêu cầu của tòa.
Dù bạn đã công chứng sang tên nhưng nếu người bán không còn tài sản khác và không đủ tài sản để thi hành án thì căn nhà bạn vừa mua vẫn bị kê biên. Muốn giành lại thì tranh chấp xảy ra, dẫn đến nhiều vấn đề rắc rối, tốn thêm nhiều tiền thuê luật sư giải quyết theo đúng pháp luật.
Lừa đảo bán nhà ở trong dự án chưa có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng
Theo quy định tại khoản 1, điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Tại khoản 2 điều 56 luật này có quy định thêm: “Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua”.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng đi mua căn hộ chung cư, tài sản hình thành trong tương lai lại bỏ qua giấy tờ này mà không biết lợi ích mang lại.
Theo Khoản 4, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản: Khách hàng mua dự án được ngân hàng thương mại đủ năng lực bảo lãnh, khi chủ đầu tư mất năng lực tài chính hay chậm bàn giao nhà so với hợp đồng, ngân hàng bảo lãnh sẽ đứng ra hoàn trả số tiền khách hàng (nếu họ bắt buộc) đã đóng và các khoản tiền khác theo hợp đồng”
Lừa đảo mua bán nhà đất qua vi bằng
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất, xây nhà rồi chuyển nhượng lại cho người khác bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại.
Những giao dịch này chủ yếu diễn ra tại các căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà) ở những quận, huyện vùng ven thành phố. Để tăng sự tin tưởng, giới cò, đầu nậu thường nhờ các Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng.
Tuy nhiên, trong giao dịch liên quan đến nhà đất, các bên được Thừa phát lại lập vi bằng, nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ, chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất.
Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
Lừa đảo bằng cách giả mạo cán bộ ngân hàng thanh lý nhà đất
Nhiều cò đất tung chiêu trò quảng cáo bán đất do ngân hàng thanh lý giá rẻ hơn hẳn thị trường, lại còn mạo danh cán bộ ngân hàng để dụ dỗ những người cả tin, ham giá đất rẻ sập bẫy.
Nhất trường hợp mua phải đất nền đã bị các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản khiến cho khách hàng tiền mất tật mang.
Do đó, người mua nhà cần phải tỉnh táo trước những thông tin giá đất quá rẻ so với giá thị trường hiện tại.
Lừa đảo mua nhà ở xã hội từ người không đủ điều kiện
Pháp luật quy định những người mua nhà ở xã hội không được phép chuyển nhượng căn nhà trong thời gian 5 năm kể từ lúc tất toán số tiền mua cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng kẻ hở của pháp luật bằng cách chuyển nhượng nhà ở xã hội thông qua giấy tờ viết tay, nhận 95% số tiền chuyển nhượng từ người mua và hứa hẹn 5 năm sau mới tiến hành công chứng sang tên rồi mới nhận 5% còn lại.
Những người mắc vào bẫy mua nhà ở xã hội thường là người có thu nhập thấp, đành chấp nhận mua nhà theo hình thức đầy rủi ro này. Phần rủi ro này sẽ thuộc về người mua sau nếu chẳng may khi thanh tra xét duyệt hồ sơ, chủ nhà cũ không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thì căn nhà có nguy cơ bị thu hồi.