Thanh Hoá “sục sôi” trong cơn sốt đất, người người nhà nhà đi làm môi giới

1037 lượt xem
Xếp hạng

Từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất gần cồn mã, đất trong hẻm nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá “dựng đứng”, nhiều người tìm mua.

Giá đất tăng chóng mặt…

Không nằm ngoài cơn sốt đất của cả nước, Thanh Hóa được gọi tên những tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường BĐS tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự tăng đột biến về giá ở phân khúc đất nền. Cùng với đó là lượng giao dịch mua bán tăng cao đã tạo nên cơn sốt đất mạnh mẽ tại Tp.Thanh Hoá, Quảng Xương, Như Thanh…

Tìm hiểu được biết, hiện giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã tăng trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020. Từ đầu năm đến nay, giá đất trúng đấu giá tại nhiều mặt bằng mới cao gấp 1,5 lần, gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá khởi điểm nhưng vẫn “cháy hàng”.

Tại Quảng Xương, đất nông thôn trong đường nhỏ xưa đến nay ít người hỏi đến thì hiện tại đã tăng 12 triệu đồng/m2; đất ở hẻm nhỏ thì giá khoảng 4-5 triệu đồng/m2; hẻm lớn thì giá dao động 10-15 triệu đồng/m2, hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp. Thậm chí, người mua đầu tư không cần biết là đất thổ cư hay đất gì vẫn “xuống tiền” mua vào rồi bán chênh sau đó.

Trong khi đó, đất ở khu vực ven biển càng “sục sôi” hơn khi giá tăng theo ngày. Liên hệ với một môi giới khu vực được biết, có nền đất chủ nhà bán 2 tỉ đồng, sau 4 ngày NĐT bán lại với giá 7 tỉ đồng. Việc giá đất tăng từ 30-50% trong vòng 1 -2 tháng là thực tế đang diễn ra tại các địa phương Thanh Hóa hiện nay. Thậm chí, có hiện tượng “dành nhau” đặt cọc, mua đất được ví “như mua rau” khi nền đất được sang tay liên tục, giá tăng đột biến sau vài ngày…

Liên hệ một người quen sống tại Quảng Xương, được biết, người này vừa bán một miếng đất gần cồn mã với giá 8 triệu đồng/m2 ( khoảng 1.6 tỉ đồng miếng đất 200m2), sau vài ngày đi mua miếng đất với giá 9 triệu đồng/m2, chỉ trong vòng 5 ngày đã có người trả giá chênh lên đến 300 triệu đồng. Người này vẫn tâm lý giá còn lên nữa nên chưa vội bán ra.

Bất động sản Thanh Hoá đang trên "chảo lửa"

Đất tại khu vực Tp.Thanh Hóa cũng như đang trên “chảo lửa” khi liên tục thiết lập mặt bằng mới. Đất đấu giá tăng mạnh với mức tăng ít nhất 30% so với thời điểm cuối năm. Đặc biệt, đất nền ven biển liên tục tăng. Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Đại diện một doanh nghiệp tại Thanh Hóa chia sẻ trên báo chí mới đây, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/2021, giá đất nền tăng gần gấp đôi, thậm chí giá có thể nói tăng theo từng giờ, từng phút, từng ngày. Chẳng hạn, tại khu đô thị Quảng Phúc, Quảng Tâm (Thanh Hoá) giá khởi điểm từ 6-8 triệu nhưng đến hiện tại đã tăng 18-23 triệu đồng/m2 .

Thậm chí, những lô đất gần cồn mã, đất trong hẻm nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá “dựng đứng”, nhiều người tìm mua. Ngay cả vùng đất vốn khó tưởng có thể xảy ra sốt đất như huyện Như Thanh hiện giá đất cũng tăng “sục sôi” gấp 2-3 trong vòng 1-2 tháng qua.

Lý giải sự nóng lên bất thường này, các NĐT cho rằng, việc tỉnh Thanh Hóa đang thu hút nhiều dự án lớn về công nghiệp, du lịch, với nhiều nhà đầu tư lớn như VinGroup, SunGroup, Flamingo đã khiến dòng tiền từ các lĩnh vực khác chuyển dịch về BĐS để đón đầu cơ hội. Xu hướng đầu tư tăng nhanh, đặc biệt, lượng nhà đầu tư tỉnh ngoài đổ dồn về tìm mua đất nhiều hơn. Theo đại diện một doanh nghiệp, nhiều NĐT từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… thời gian qua đã đổ về Thanh Hóa để mua bán, đầu tư.

Người bán phở, bán gạo, bán gà…cũng trở thành “cò đất”

Một thực tế đang diễn ra tại Thanh Hóa là nhà nhà, người người đi mua bán đất và những người nông dân vốn bám đất, bán buôn nhỏ…cũng trở thành những “cò đất” trong cơn sốt đang sục sôi tại địa phương này. Và những “cò đất” tay ngang này bỗng dưng kiếm hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn, với họ đó là điều không tưởng từ trước đến nay.

Qua điện thoại, một người quen tại Thanh Hoá, vốn buôn bán quán phở trước đến nay hồ hởi khoe “Chú mới môi giới được 3 nền đất, hoa hồng cũng được 60 triệu đồng này”. Được biết, người này mới bán mảnh đất hơn 150m2 với giá 1.3 tỉ đồng vào tháng 1/2021, hiện miếng này được NĐT bán lại với giá 2.8 tỉ đồng chỉ trong vòng 1 tháng. Tiếc nuối vì bán rẻ, nhiều lần gọi điện tỏ vẻ buồn rầu.

Hay, một người anh họ hàng, vốn làm nghề bán gà nay bỗng dưng “phất lên” nhờ đầu tư lướt sóng kiêm môi giới đất nền. Chỉ trong vòng 1-2 tháng, người này việc kiếm hàng trăm triệu đồng một cách dễ dàng mà vốn buôn bán nhỏ lẻ không thể được như vậy.

Tìm hiểu được biết, trước cơn sốt đất những tháng qua, nhiều người từ buôn gà, bán gạo, bán phở… tại Thanh Hóa vốn không bao giờ rành về đất đai cũng trở thành những “cò đất” kiếm hàng trăm triệu đồng. Việc kiếm tiền với họ chưa bao giờ dễ dàng như lúc này, thậm chí có nhiều người “bỏ bê” công việc chính hàng ngày để đi làm “cò đất”.

Một số nhận định cho rằng, sự tăng giá bất thường như hiện nay tại Thanh Hóa đã phá vỡ mọi quy luật của thị trường BĐS trong nhiều năm qua. Nhiều khả năng, sự tăng giá này là hiện tượng “thổi giá” đất nhằm đầu cơ, trục lợi, gây tình trạng “sốt ảo” trên thị trường. Và người dân nếu không cẩn thận sẽ dễ dính vào làn sóng đầu cơ thổi giá, bẫy giá của các nhà đầu tư và dân “cò” đất.

Bà Kim Ngọc – Giám đốc Bộ phận Thẩm định và Tư vấn, Colliers Việt Nam cho rằng, hệ lụy của những cơn sốt đất bất thường dễ dẫn đến nợ xấu tăng và xáo trộn đời sống kinh tế – xã hội của cả khu vực. Giá đất liên tục tăng cao khiến người có nhu cầu thật sự không có khả năng mua để ở, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ thị trường BĐS. Khi nhà đầu tư không kịp bánnhanh sẽ bị chôn vốn hoặc mất vốn. Bên cạnh đó, sốt đất là một phần nguyên nhân dẫn đến việc phân lô bán nền đất nông nghiệp, tạo ra nhiều rủi ro pháp lý về quyền sử dụng đất khi phân lô bán trái phép, tranh chấp giao dịch mua bán, các chủ đầu tư nhỏ lẻ không đủ điều kiện phát triển dự án (chủ đầu tư “ma”).

Người người, nhà nhà làm môi giới nhà đất…

Cùng quan điểm, ông Mai Đức Toàn, Giám đốc khối kinh doanh và đầu tư CNT Group phân tích, đã có quá nhiều bài học nhãn tiền về hệ lụy của các cơn sốt đất cục bộ không chỉ ở vi mô (là cá nhân chủ đất, nhà đầu tư) mà còn ở vỹ mô (nền kinh tế, xã hội) tại khu vực.

Trong đó, hệ lụy dễ nhận thấy từ những cơn sốt đất ở là khiến giá đất tăng ảo tại khu vực đó, người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Người có nhu cầu thực không thể đủ tiền để mua được nhà, đất vì giá bị đẩy lên quá cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ không thoát được nhanh sẽ bị mắc cạn, nếu dùng đòn bẩy tài chính thì họ sẽ phải gồng mình trả nợ hàng tháng. Trường hợp không trả được thì khoản vay của họ biến thành nợ xấu, ngân hàng cũng rất khó để thu hồi nhanh số tiền này.

Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân khốn đốn, với doanh nghiệp, những cơn sốt đất cũng khiến họ lao đao khi khó tiếp cận quỹ đất, bởi giá bị thổi cao và không ngừng thiết lập mặt bằng giá mới. Khi giá đã quá cao thì các doanh nghiệp cũng không mặn mà với quỹ đất tại địa phương đó.

“Chưa kể, khi giá đất lên quá cao so với thực tế, người mua cũng e dè dẫn đến tình trạng ế ẩm, thị trường BĐS “đóng băng”. Giá đất tăng cao cũng khiến nhiều người nghèo, người có thu nhập thấp không mua được nhà ở. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều nhà, đất hoang hóa vì không được sử dụng, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực của xã hội”, ông Toàn nhấn mạnh.

Công ty Mạnh Đức chi hơn 2.700 tỷ làm khu công nghiệp 208ha tại Bắc Ninh
Năm 2021, dự báo giá nhà sẽ tiếp tục tăng 10%

BÀI VIẾT LIÊN QUAN