Dù đã rất nỗ lực trong phát triển nhà ở xã hội cả về chính sách và thực tiễn, nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế.
Nhiều chính sách ưu tiên phát triển nhà ở xã hội
Tại Phiên thảo luận về nhà ở xã hội chiều ngày 9/6, trong khuôn khổ Hội nghị Bất động sản quốc tế – IREC 2018, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản đã đưa ra nhiều con số thể hiện tình hình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) tại Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao, đất chật người đông nên việc giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là vấn đề được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm.
Với lượng dân số đô thị lớn, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh đặt ra yêu cầu về quỹ nhà ở giá rẻ phù hợp với người thu nhập thấp. Từ năm 2009, Chính phủ đã đưa ra những chính sách, định hướng riêng về phát triển NƠXH cho các đối tượng này.
Ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết: Với sự nỗ lực không ngừng của các nhà đầu tư cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, đã có khoảng 126 dự án NƠXH tại các đô thị lớn trên cả nước từ năm 2009 đến nay.
Đối tượng NƠXH ở Việt Nam bao gồm hai đối tượng chính là đối tượng ở nông thôn và đối tượng ở thành thị, mỗi nhóm đối tượng lại có những chính sách khác nhau. Đặc biệt, đối với đối tượng ở đô thị, Chính phủ đưa giải pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua dự án do các chủ đầu tư, các thành phần kinh tế tư nhân là chủ yếu.
Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai thì nhu cầu về NƠXH là rất lớn, khoảng 1 triệu đơn vị NƠXH cho người thu nhập thấp.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển NƠXH cả về chính sách và thực tiễn, như Luật Nhà ở 2014 quy định chặt chẽ về NƠXH, hay Nghị định 100 của Chính phủ năm 2015 đã nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện NƠXH, trong đó đã đề cập đến nhiều vấn đề như quy hoạch, đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.
Theo đó, các dự án nhà ở thương mại, các dự án đô thị phải dành 20% diện tích đất để xây dựng NƠXH. Đối với dự án dưới 10ha, có thể linh động nộp bằng tiền, quỹ đất, quỹ nhà tương đương với giá trị đó. Đối với những dự án trên 10ha bắt buộc phải xây dựng NƠXH.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế tích cực để thúc đẩy sự phát triển của thị trường NƠXH. Các chủ đầu tư xây dựng các dự án NƠXH được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chủ đầu tư cũng được tạo mọi điều kiện để tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam, và được ngân sách cấp bù khoản lãi suất để cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí ngoài dự án, và trong dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được dành 20% quỹ đất, quỹ nhà theo hình thức nhà ở thương mại để góp phần bù đắp chi phí.
Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cũng cho biết, mặc dù Chính phủ đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn NƠXH cho người có thu nhập thấp, tuy nhiên lộ trình này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. “Tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khu vực trung tâm. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận. Đây là một khó khăn lớn mà Chính phủ Việt Nam cần thực hiện các giải pháp để phát triển hạ tầng kết nối như xe buýt, tàu điện,… Như vậy, quỹ đất xây dựng NƠXH xa trung tâm mới có thể khả thi” – ông Ninh cho hay.
Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn, mặc dù nhà nước đã có hỗ trợ về đầu tư công, tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa bố trí được kịp thời. Điều này dẫn đến việc chậm trễ trong công tác triển khai, Nhu cầu là 1 triệu đơn vị NƠXH nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%.
Ngoài ra, cũng theo ông Ninh, các cơ chế để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển NƠXH vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.
Về giải pháp, định hướng thời gian tới, ông Ninh cho hay, Việt Nam đã được sự hỗ trợ từ World Bank trong nghiên cứu về NƠXH. Hiện nay, Việt Nam đang cùng với một số đơn vị của Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu các chính sách phát triển NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp. Cùng với đó là khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công của nhà nước để đạt được tốc độ đã hoạch định.